HỘI THẢO “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC TIẾNG VIỆT CHO HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ”
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 10 năm 2017, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “ Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”. Thành phần tham dự gồm Đại diện Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Tổ chức Room to Read và các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Chủ trì Hội thảo là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong ngày 18, các vị đại biểu nghe các báo cáo về yêu cầu chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; yêu cầu của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình Tiểu học; tình hình hình tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Sau đó các Sở Giáo dục và Đào tạo tham luận về các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Sáng ngày 19, các đại biểu đến tham quan Trường Tiểu học Trưng Vương và Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo của quận Ô Môn. Đây là hai trong những đơn vị của thành phố Cần Thơ có đông học sinh là người dân tộc Khơ me đang theo học. Các đại biểu đã trao đổi với cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh về những thuận lợi, khó khăn và những giải pháp để thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc Khơ me.
Tại đây, các đại biểu đã trực tiếp trao đổi, chia sẻ với các em học sinh, mà tập trung là học sinh dân tộc Khơ me về việc tham gia học tập nhất là môn Tiếng Việt. Đặc biệt, tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, các đại biểu đã xem các em học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như hoạt động làm bánh, trồng rau, chăm sóc hoa kiểng, trò chơi tiếng Anh, múa hát sân trường. Ngoài ra, Phó Vụ trưởng, Tổ chức Room to Read và một số đại biểu tham gia một tiết đọc thư viện cùng cô giáo và các em học sinh lớp 5.
Tuy buổi gặp gỡ, giao lưu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nó đã thể hiện sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các địa phương trong việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số./.